Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Hướng dẫn tự khám ung thư vú tại nhà

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Phát hiện sớm khi khối u còn nhỏ là cách tốt nhất để điều trị có hiệu quả loại ung thư này. Tự khám vú sẽ giúp bạn phát hiện sớm ung thư vú.

Tại sao phải biết tự khám vú?

Tự khám vú sẽ giúp bạn phát hiện sớm ung thư vú.

Bạn tự khám vú lúc nào và nơi nào là thích hợp nhất ?

Tốt nhất là bạn khám sau khi hành kinh, lúc mô vú mềm mại nhất. Nếu bạn đã mãn kinh thì nên tự khám định kỳ hàng tháng. Bạn hãy tự khám vú đều đặn mỗi tháng 1 lần.

Cách tự khám vú:

Bước 1: Ở tư thế xuôi 2 tay

Cởi trần đứng trước gương, 2 tay xuôi tự nhiên theo thân người. Nhìn thật kỹ vào ngực để quan sát đặc điểm của da, độ lớn nhỏ của vú, hình dạng núm vú. Nhìn thật kỹ để tìm những thay đổi bất thường như: dấu hiệu sưng nề của da giống như vỏ quả cam, vùng đỏ da, vùng lõm da, núm vú bị biến dạng hoặc bị kéo lệch hoặc bị tụt vào.

Cần nhìn và so sánh hai vú với nhau.

Bước 2: Ở tư thế đưa 2 tay lên đầu




Bạn đứng ở tư thế đưa cao 2 tay lên đầu hơi gập người về phía trước. Động tác này giúp cho bộ ngực của bạn đưa ra trước và giúp bạn dễ nhìn hơn.

Hãy nhìn thật kỹ hình dáng bên ngoài của hai vú và lưu ý những dấu hiệu bất thường như ở bước 1.

Bước 3: Ở tư thế đứng chống nạnh




Bạn ở tư thế đứng chống nạnh, hơi gồng người một chút. Động tác này làm căng cơ ngực khiến cho hình dáng bên ngoài tuyến vú nổi rõ hơn.

Bước 4: Ở tư thế một tay đưa lên đầu


Đưa một tay lên đầu và khám ngực bằng tay còn lại. Dùng 3 ngón tay xòe thẳng xoa nhẹ lên tuyến vú, bắt đầu từ trong quầng vú, vừa xoa vừa di chuyển ra ngoài theo đường xoắn ốc, đồng tâm, hoặc tia bán kính

Khi sờ thấy một vùng nào đó bất thường thì nên kiểm chứng vùng tương tự ở vú bên kia xem có giống hay không? Nếu giống là điều bình thường, bởi vì tuyến vú luôn luôn đối xứng với nhau cả về hình dạng bên ngoài lẫn cấu tạo bên trong.

Sau đó, bạn tiếp tục khám lên cao ở vùng nách, vì tuyến vú kéo dài đến tận vùng nách. Sau cùng dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ nặn nhẹ núm vú xem có chảy nước vàng hoặc máu không? Hãy kiểm tra cẩn thận mỗi bên vú trong các tư thế này để có thể phát hiện ra những bất thường nếu có. Nếu mới bắt đầu tự khám vú thì có thể khám nhiều lần.

Bước 5: Ở tư thế nằm có độn gối hoặc khăn dưới vai

tự khám vú để phát hiện sớm bệnh ung thư 4

Thực hiện lại động tác khám giống như khám khi đứng, không để sót phần nào của vú, kể cả ở nách.

Khi khám xong một bên thì tiếp tục khám vú bên kia.

Bạn phải làm gì khi phát hiện bất thường ở vú?

Việc tự khám vú không đồng nghĩa là tự chẩn đoán bệnh của mình. Khi phát hiện được một khối trong vú hoặc có những bất thường về da hoặc có chảy máu hoặc chảy nước vàng ở núm vú thì:

Đừng hoảng sợ, vì đó cũng có thể chỉ là biểu hiện của các bệnh lành tính của vú.
Hãy đến khám ngay tại một phòng khám chuyên khoa về vú.
Tuyệt đối không được đắp bất cứ lá hay thuốc gì lên vú.

Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới có thể chẩn đoán và điều trị đúng cho bạn.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư vú

Trong trường hợp nghi ngờ ung thư vú, các phương pháp chẩn đoán hiện đại sẽ giúp bạn có được chẩn đoán xác định và chẩn đoán giai đoạn bệnh.

1. Chụp nhũ ảnh:

Chụp nhũ ảnh là phương pháp chụp X quang quy ước, cho phép phát hiện các bất thường ở các ống tuyến vú, nơi xuất phát của 95% các ung thư vú. Chụp nhũ ảnh được chỉ định khi có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào. Đặc biệt, chụp nhũ ảnh kết hợp với siêu âm sẽ giúp nhận ra ngay các nang tuyến vú bất thường.

2. Siêu âm:

Siêu âm đóng vai trò bổ sung và không thay thế được chụp nhũ ảnh. Siêu âm có thể giúp định vị tổn thương bất thường để dễ lấy mẫu bệnh phẩm hoặc xác định tổn thương dạng nang trong tuyến vú

3. Chụp cộng hưởng từ (MRI):

Đây là kỹ thuật khảo sát hình ảnh rất hữu ích trong một số trường hợp đặc biệt, khi chụp nhũ ảnh và siêu âm gặp khó khăn, hình ảnh không đặc trưng. Phương pháp này cũng rất hữu ích trong việc khảo sát các tuyến vú đã xạ trị.

4. Chẩn đoán tế bào học:

Đây là phương pháp dùng kim nhỏ để chọc hút khối bướu đặc để lấy các tế bào mang đi khảo sát bằng kính hiển vi. Khi có một tổn thương dạng nang, việc chọc hút bằng kim nhỏ có thể rút cạn dịch trong nang và chữa khỏi bệnh. Đây là một thao tác đơn giản, không gây đau, không cần gây tê tại chỗ.

5. Lấy mẫu bệnh phẩm qua sinh thiết hoặc phẫu thuật:

Nếu các triệu chứng lâm sàng và các chẩn đoán trên không cho phép khẳng định tổn thương hoàn toàn lành tính, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân lấy mẫu bệnh phẩm qua sinh thiết hoặc phẫu thuật để có được chẩn đoán xác định. Bệnh phẩm được lấy bằng cách sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm và gây tê tại chỗ, không cần nằm viện. Đối với khối bướu đặc và nhỏ, bác sĩ có thể cắt rộng bướu để phân tích giải phẫu bệnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét